7 BƯỚC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TỰ DO TÀI CHÍNH

  • Tháng Năm 25, 2020
  • Không có phản hồi

ó bao giờ bạn cảm thấy rằng đồng tiền đang kiểm soát bạn, chứ không phải ngược lại? Giống như hầu hết mọi người, có lẽ bạn đang cố gắng hết sức để quản lý hàng núi những khoản chi hàng tháng – tiền nhà, tiền điện, tiền nước, chi trả cho ăn uống, đi lại, v.v. mà vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Đó là còn chưa kể những khoản nợ nữa: từ nợ tín dụng tới các khoản trả góp mua nhà, mua xe, đồ dùng gia đình! Đã bao giờ bạn ước mình không phải quá sức lo lắng tới việc quản lý tài chính cá nhân?

Mục tiêu cuối cùng mà bạn, và có lẽ tất cả chúng ta, đều hướng đến là tự do tài chính. Hiểu cơ bản thì tự do tài chính là trạng thái đạt được khi một cá nhân có đủ nguồn tài chính để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi cân nhắc tiền bạc. Định nghĩa này khiến nhiều người giật mình: phải chăng tự do tài chính là “cuộc chơi của người giàu”?

Không hề! Nếu biết cách làm chủ dòng tiền, thì dù với mức thu nhập là bao nhiêu, bạn cũng có thể đạt được tự do tài chính. WowMelo muốn gợi ý cho bạn 7 cách thông minh và khéo léo bạn có thể bắt đầu thử nghiệm ngay từ hôm nay để tới gần hơn với giấc mơ đó. Hãy cùng xem nhé:

1. Đăng ký tín dụng ngay thôi!

⅓ số người từ 18 đến 35 tuổi không sở hữu thẻ tín dụng.

Tại sao?

Lý do cơ bản nhất là không nhiều người hiểu rõ về tín dụng. Tại Việt Nam, tín dụng là một khái niệm khá mới mẻ trong 20 năm trở lại đây, và thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực và gắn liền với lãi suất và rủi ro lạm chi. Nhưng tín dụng có thật sự xấu như người ta nghĩ? Không hề! (Đặc biệt là những hình thức tín dụng không lãi suất, không kiểm tra hồ sơ tín dụng như WowMelo!). Tuy nhiên, để thật sự vận dụng tín dụng như một công cụ gia tăng sức khỏe tài chính cho bản thân, bạn rất cần phải hiểu rõ và sâu về nó.

Nếu được trả đúng hạn và không lạm chi, thẻ tín dụng là một công cụ tuyệt vời để quản lý nguồn chi hàng tháng của bạn, bởi ngân hàng sẽ luôn gửi một bảng kê chi tiết hàng tháng cho bạn. Nhưng hơn thế nữa, sử dụng thẻ tín dụng đúng cách sẽ giúp bạn xây dựng điểm tín dụng. Số điểm này giúp ngân hàng và định chế tài chính quyết định có thể cho bạn vay bao nhiêu tiền, với lãi suất bao nhiêu – bằng cách tính toán rủi ro khi cho cấp cho bạn một khoản vay. Điểm tín dụng của bạn càng cao thì rủi ro khi cho bạn vay càng thấp, và điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực sau này khi bạn có nhu cầu vay với lãi suất tốt. Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách và không rơi vào nợ xấu, bạn sẽ chạm tới tự do tài chính rất nhanh thôi.

2. Tiết kiệm, tiết kiệm, tiết kiệm

Vào ngày nhận lương, bạn nên “cất đi” một khoản nhất định để gửi tiết kiệm. Nhưng nói thì dễ hơn làm, phải không? Cảm giác thường thấy là sự thất vọng khi tiền lương mới nhận biến mất hết trong giây lát – khi phải chi trả dồn dập những khoản thuê nhà, bảo hiểm xe cộ, ăn uống cho gia đình, … và còn chưa kể đến những khoản nợ trả góp. 

Tuy nhiên, ngay khi bạn có một chút tài chính dư ra sau khi đã chi hết những khoản trọng yếu, bạn nên chuyển ít nhất ⅔ khoản này ngay vào tài khoản tiết kiệm. Khi điều này đã trở thành thói quen, bạn sẽ thấy tài khoản tiết kiệm tự lớn dần theo thời gian. Cho dù bạn cài đặt một tài khoản chuyển tiền tự động hay tự tay mình làm, việc đều đặn chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm là một bước quan trọng để hướng tới tự do tài chính. Các chuyên gia tài chính cho rằng con số lý tưởng cho tiết kiệm là 20% tổng thu nhập hàng tháng.

3. Học những quy tắc cơ bản của dự trù tài chính

Phần lớn mọi người đều cho rằng việc dự trù tài chính là một việc làm vô nghĩa, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không khớp với thực tế. Nhưng thật ra, việc lập và theo dõi bảng dự trù là một thói quen rất hữu ích giúp bạn phân tích, đánh giá các hạng mục thu-chi và điều chỉnh lại nếu cần thiết.

Bạn có thể bắt đầu từ những bước cơ bản như hoạch định và theo dõi những khoản chi lớn như tiền học của con cái, tiền thuê nhà, khoản trả góp mua xe. Hoặc bạn hoàn toàn có thể đi sâu hơn và tính toán, lên kế hoạch cho từng khoản chi nhỏ nhất. Từ mua sắm cho đến xăng xe hay cuộc vui với chiến hữu vào cuối tuần – nếu bạn mường tượng trước được mình sẽ tiêu cái gì thì hãy dự trù cho nó. Và hãy tính dôi ra một chút! Còn cảm giác nào tuyệt vời hơn là khi đến cuối tháng bạn phát hiện ra mình còn lại nhiều tiền hơn dự tính lúc đầu? Ghi lại mọi khoản chi là một cách tốt để giúp bạn có cái nhìn tổng quát về thói quen của mình, và dần dần nắm lấy sự kiểm soát về tài chính bạn đang hằng tìm kiếm.

Nhưng hãy nhớ: dự trù không có nghĩa là bạn phải bỏ qua mọi cuộc vui đâu nhé! Nếu bạn cần một tách cafe “chém gió” cùng bạn bè mỗi sáng thứ 2 cho một tuần làm việc năng động, hãy cứ thoải mái duy trì thói quen này. Chỉ đừng quên đưa nó vào bản dự trù của bạn là được!

4. Đầu tư vào tương lai ?

Có thể bạn còn rất lâu mới tới tuổi về hưu, nhưng bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì vị thế tài chính của bạn sẽ càng được củng cố sau này. Theo nghiên cứu, những người bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí từ năm 25 tuổi sẽ tiết kiệm được nhiều gấp đôi những người bắt đầu từ năm 35 tuổi trong suốt cả cuộc đời của họ. 

Đầu tư là một cách thú vị để học thêm về tài chính và gia tăng thu nhập cho bạn. Điều quan trọng là bạn phải có được sự kiên nhẫn và không chạy theo những lời hứa đầu tư “đảm bảo lãi suất 50% sau 1 năm” hoặc những kế hoạch làm giàu nhanh chóng, ít rủi ro khác được quảng cáo trên thị trường. Rất nhiều khả năng đó chỉ là những chiêu trò lừa đảo! 

Nếu bạn đầu tư chỉ một phần nhỏ của thu nhập hàng tháng với tầm nhìn dài hạn, sức mạnh của lãi cộng sẽ giúp bạn gia tăng tài khoản tiết kiệm đáng kể đấy. Quy tắc số một: tiết kiệm và đầu tư không phải là cách làm giàu ngắn hạn, mà là cách gia tăng tiềm lực tài chính trong tương lai trung và dài hạn.

5. “Giải quyết hết” những khoản nợ tồn

Nếu bạn có nhiều khoản nợ đứng tên mình, như trả góp xe hơi, nhà hay những khoản vay tiêu dùng, có lẽ bạn sẽ nhiều lúc thấy “ngợp”. Chúng ta đều có lúc ngán ngẩm nhìn những khoản nợ của mình và tự hỏi rằng liệu có bao giờ có thể trả hết chúng không. Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ đó là thiết lập một bản kế hoạch hành động – và làm theo, bằng mọi giá. Có một số phương pháp để thanh toán hết khoản nợ của một cá nhân, bao gồm Phương pháp Hòn tuyết và Phương pháp Bão tuyết:

  • Phương pháp Hòn tuyết là khi bạn trả từng khoản nợ nhỏ trước để giải quyết chúng dứt điểm trước khi trả những khoản có giá trị lớn hơn.
  • Phương pháp Bão tuyết là khi bạn trả một khoản tối thiểu cho toàn bộ các khoản nợ bạn đang có dù lớn hay nhỏ, rồi dùng số tiền còn lại để trả những khoản có lãi suất cao nhất trước.

Sử dụng một phần mềm quản lý và theo dõi nợ sẽ giúp bạn không rơi vào tình trạng phải “vay để trả nợ” hoặc cố xoay sở để trang trải. Nếu quản lý nợ tốt và kiên trì để ra một khoản cố định hàng tháng để trả nợ, dần dần trong một năm hoặc thậm chí 10 năm, bạn sẽ chinh phục được khối nợ kinh khủng đó thôi.

6. Mua bảo hiểm tài sản

Bảo hiểm là một khái niệm khá khó nắm bắt. Bạn biết bạn cần bảo hiểm, nhưng không may, bạn không có nhiều thông tin chính xác về hình thức bảo hiểm phù hợp, lý do nên mua và chi phí hợp lý. Bạn có lẽ đang tự hỏi mình cần loại bảo hiểm gì? Mua ở đâu? Việc mua bảo hiểm có phù hợp với tình hình tài chính hiện tại không?

Hãy tự đánh giá lại nhu cầu bảo hiểm của bản thân đối với những loại bảo hiểm cơ bản như bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, xe cộ, thuê nhà, tàn tật ngắn hạn, thai sản và đối chiếu với dự trù tài chính của bản thân. Sau đó, hãy tham khảo thị trường và so sánh các gói sản phẩm để tìm ra bên có chính sách phù hợp nhất với mình.

Nếu bạn đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc không may xe bạn bị va chạm trên đường (chuyện xảy ra thường xuyên khi đi trên đường phố Việt Nam), bảo hiểm sẽ giúp chi trả phần lớn những chi phí phát sinh. Kể cả không bao giờ xảy ra việc phải dùng đến bảo hiểm, số tiền bạn cất giữ vào hình thức này cũng có thể coi như một khoản tiết kiệm lãi suất thấp, hỗ trợ bạn phần nào sau này khi có những khoản chi lớn cần kíp.

7. Chiêu đãi bản thân! (và những người xung quanh)

Đôi lúc bạn thèm một tách cà phê, một món ngon, hoặc một chiếc váy mới tới mức phải mua bằng được. Thật ra, cuộc sống là quá ngắn để cân đo đong đếm từng đồng một, nên hãy cho bản thân quyền được tiêu một số tiền nhất định vào những điều mà bạn thật sự muốn. Về lâu dài, giảm bớt được nỗi lo và chi tiêu cho những gì bạn thấy cuộc sống mình cần vẫn là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc tiết kiệm đến từng đồng lẻ. Hãy chiêu đãi bản thân, cho đi nhiều hơn, và tham gia vào những hoạt động thật sự có ý nghĩa với bạn. 

Chúng tôi hy vọng 7 lời khuyên trên đây sẽ giúp bạn tìm ra được sự cân bằng cần thiết giữa tiết kiệm và chi tiêu. WowMelo tin rằng tự do tài chính chỉ có thể thật sự đạt được khi bạn có khả năng chi trả toàn bộ những khoản bạn cần, và có kế hoạch phù hợp để mua được những gì bạn muốn.

Wowmelo sẵn sàng hỗ trợ bạn !
viVietnamese
en_USEnglish viVietnamese